NHẬN DIỆN ĐỒNG BẠC “HOA XÒE”
Ths.Lê Cảnh Lam
Bốn chữ “Đồng bạc hoa xòe” là một từ rất quen thuộc bởi nó đã thoát khỏi chức năng ban đầu là tiền tệ cho những người sưu tập tiền cổ, nó còn được ứng dụng vào bài thuốc dân gian dùng để đánh cảm, nhập văn hóa trở thành vật thách cưới của một số dân tộc vùng cao.
Đồng bạc “Hòa xòe” là một từ quen gọi dân dã để chỉ loại đồng bạc Đông Dương được sản xuất bằng phương pháp rập có chất liệu là hợp kim bạc (ảnh 1, 2). Loại tiền này hiện đang có mặt ở khắp các cửa hàng bán đồ cổ và đồ lưu niệm ở khu vực Việt Nam, nam Trung Quốc, Lào, Campuchia. Nó không chỉ được dùng làm đồ sưu tập, mà còn được dùng làm vật thách cưới ở các dân tộc vùng Tây bắc, dùng để đánh gió trong các gia đình. Khi sưu tập đồng bạc cần chú ý đến các đặc điểm sau:
1. Kỹ thuật sản xuất:
Đồng bạc thật được sản xuất bằng phương pháp rập chứ không phải đúc cho nên khi quan sát dưới kính lúp sẽ thấy các nét chữ có thành vuông góc với mặt tiền chứ không cong tròn thoai thoải như phương pháp đúc (ảnh 2, 3).
ảnh 2. Chữ rập soi dưới kính hiển vi
ảnh 3. Chữ đúc soi dưới kính hiển vi
Bạc Hoa xòe được làm giả bằng 3 phương pháp: thứ nhất là đúc đồng sau đó mạ bạc; thứ hai là điện phân bạc thành 2 lớp áo mặt ngoài sau đó bọc vào trong một miếng đồng, chì được rập tròn. Thứ ba là rập bằng máy hợp kim nhôm hoặc đồng sau đó mạ bạc (ảnh 4,5).
ảnh 4. Máy rập tiền giả
ảnh 5. Khuôn rập tiền giả
2. Chất liệu hợp kim bạc
Đồng bạc thường ghi hàm lượng bạc trên mặt tiền (thường là 900 chỉ hàm lượng bạc 90,0%). Nếu có điều kiện phân tích thành phần thì rất tốt, nếu không có thì có thể thả rơi đồng tiền xuống nền gạch ceramic, nếu là hợp kim bạc thì sẽ phát ra tiếng kêu “cạch cạch”, còn nếu là loại đồng mạ bạc thì sẽ có tiếng kêu “keng keng”.
3. Cân khối lượng và đo kích thước
Đối với mỗi loại tiền, có kích thước đường kính, độ dày nhất định, thành phần hợp kim được ghi rõ nên sự tương hợp giữa kích thước, thành phần, tỷ trọng hợp kim và khối lượng luôn có quan hệ chặt chẽ và chính xác. Ví dụ như loại tiền có ghi 27gram thì khi cân thực tế sẽ là 26,9 -27,1gram trong khi loại tiền giả thường có khối lượng là 25 -26 gram.
4. Quan sát dấu vết sử dụng
Tiền đuợc sử dụng thường để lại những vết mòn, vết xước khi sử dụng, các dấu vết này tự nhiên và hợp lý với điều kiện cầm nắm khi sử dụng. Những đồng tiền giả thường có vết xước chạy song song như kiểu mài giấy nhám. Đặc biệt ở cạnh tiền vết xước của việc dùng rũa để sửa bavia còn để lại khá rõ đối với những đồng tiền đúc giả chứ không phải là tiền rập. Các vết mòn không hợp lý như là chỉ mòn một mặt hay vị trí mòn giữa mặt dưới và mặt trên không khớp với nhau theo tư thế cầm nắm trao đổi tiền.
5. Mức độ rỉ của tiền.
Tiền bạc bị rỉ do bạc tiếp xúc với ion sunphua (S-2 ) (thường khí sunphua ở dạng H2S phân hủy của chất hữu cơ có chứa S mùi trứng thối hay đánh cảm gió hấp thụ H2S trong mồ hôi) tạo ra rỉ đen, các hố rỉ tự nhiên khi quan sát dưới kính hiển vi sẽ có bề mặt lõm giật khấc, với các hình dáng đa dạng, thưa mau tự nhiên chứ không đều đặn như phương pháp ngâm tẩm hóa chất. Tại phòng thí nghiệm bằng phương pháp phân tích hóa học cũng có thể phát hiện được rỉ tự nhiên hay rỉ nhân tạo.
6. Thay đổi năm của tiền.
Tuy cùng là tiền bạc thật nhưng những đồng đúc ở năm tiền đúc ít (tiền hiếm gặp) lại có giá trị trao đổi cao hơn cả chục lần nên một số đồng tiền thật bị sửa năm sản xuất bằng kỹ thuật kim hoàn, tuy nhiên nếu chỉ sửa năm thì một số thông tin khác về trong lượng tiền lại không đúng.
Trong các loại đồng bạc thì đồng đúc năm 1890 đúc ra rất ít có trọng lượng 27,215gr, những đồng tiền từ năm 1895 trở về sau có ghi trọng lượng 27gr. người ta thường sửa đồng sản xuất 1896 thành đồng sản xuất năm 1890 bằng cách sửa số 6 thành số 0. Tuy nhiên vẫn giữ chữ 27gr là không đúng (ảnh 2).
7. Giá cả.
Nhiều cửa hàng lưu niệm bán đồng bạc 27gr với giá khoảng 160.000đ, trong khi giá nguyên liệu bạc với 27gr đã khoảng 500.000đ. Như vậy, giá bán tiền cổ còn thấp hơn cả giá trị nguyên liệu thì lấy đâu ra tiền bạc thật. Giá đồng bạc loại 27 – 27,215 gr thường từ 1,700.000đ đến 60.000.000đ tùy theo mức độ quý hiếm và tình trạng hiện vật.
8. Uy tín người bán và cam kết trả lại hàng.
Đồng bạc là một loại đồ cổ nên thường những người sưu tập có trình độ hay sưu tập được những hiện vật thật, ngược lại những người có trình độ yếu thường giữ nhiều đồ giả. Bởi vậy hãy sưu tập với một cam kết có thể trả lại hàng nếu khi giám định chuyên môn phát hiện ra tiền giả. Chắc chắn với cam kết này thì khi sưu tập người bán sẽ yêu cầu giá tiền cao hơn nhưng lại là lựu chọn an toàn và thông minh nhất đối với người sưu tập tiền cổ nói riêng, người sưu tập đồ cổ nói chung. Bởi đã hết thời hy vọng mua được đồ thật với “giá rẻ bất ngờ”.