Tiền nhà Mạc đúc ở Cao Bằng
*Lê Cảnh Lam, *Nguyễn Quang Miên, *Lê Hải Đăng, ** Đào Phi Long.
*: Viện Khảo cổ học, **: Câu lạc bộ nghiên cứu và sưu tầm tiền cổ Unesco Hà Nội.
Tiền Thái Bình không chính thống giai đoạn Lê Trung Hưng có 3 hiệu đề Thái Bình Thánh Bảo, Thái Bình Thông bảo, Thái Bình Nguyên Bảo với nhiều kích cỡ, trọng lượng khác nhau.
Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn có chép: “ Mạc thị sở chú tiểu gián hữu Thái Bình, An Pháp đẳng tự lưu nhập Thuận Hóa” Họ Mạc đúc tiền gián nhỏ có chữ Thái Bình, An Pháp được lưu hành vào hạt Thuận Hóa [15]. Như vậy Lê Quý Đôn không ghi rõ là loại tiền Thái Bình Thánh Bảo, Thông Bảo hay Nguyên Bảo.
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 khi ông theo chúa Trinh Sâm đi trinh phạt nhà Nguyễn vào sứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Ở hướng đi từ phía bắc vào phía nam ông viết “lưu hành vào” cần được hiểu tiền của họ Mạc từ phía bắc “vào” nam đi qua Thuận Hóa rồi tới cả Quảng Nam.
Chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích thành phần hợp kim và so sánh với thang niên đại giai đoạn niên đại hợp kim [2] để từ đó quy chiếu theo lịch sử niên đại tồn tại của triều đại để kết luận đồng tiền đó thuộc triều đại nào đúc. Nhà Mạc ở Cao Bằng có thời gian tồn tại từ năm 1593 đến 1667 và sau đó lưu vong bên Trung Quốc từ năm 1667 đến 1683. Vào năm 1683 thì bị triều đình nhà Thanh trục xuất về Việt Nam trao trả cho nhà Lê.
Chúng tôi đã phân tích 84 đồng tiền không chính thống giai đoạn Lê Trung Hưng lấy từ 6 hũ tiền. Trong đó có 3 đồng tiền An Pháp Nguyên Bảo và 3 đồng tiền Thái Bình Thánh Bảo, 3 đồng tiền Thái Bình Thông Bảo.