Xây dựng thuật ngữ Tiền không chính thống cho tiền cổ Việt Nam giai đoạn thế kỷ 17-19.
Lê Cảnh Lam*, Nguyễn Quang Miên*, Lê Hải Đăng*, Đào Phi Long**
*:Viện Khảo cổ học. **: Câu lạc bộ nghiên cứu-sưu tầm tiền cổ Việt Nam Unesco.
- Giới hạn chất liệu Tiền không chính thống
Trong hệ thống tiền kim loại cổ gồm các chất liều hợp kim đồng, hợp kim kẽm, hợp kim vàng, hợp kim bạc, hợp kim chì, gọi tắt là tiền đồng, kẽm, bạc, vàng, chì. Trong 5 chất liệu đó thì có 2 chất liệu tiền bạc, vàng đều có thông tin để xác định niên hiệu, niên đại, chủ nhân nên không cần thiết để đưa vào thuật ngữ này. Loại chất liệu tiền chì là một đặc thù riêng bởi lẽ mặc dù hiện nay đã thống kê được 267 loại tiền[1]. Tiền chì bao gồm cả niên hiệu của các vị vua Việt Nam như Cảnh Hưng, Tự Đức hay các niên hiệu nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh Trung Quốc như Tống Nguyên, Tường Phù, Vĩnh Lạc. Khang Hy. Tiền chì còn có một số lượng lớn niên hiệu không tra cứu được theo niên hiệu của vua nào cũng như Lập Nguyên thông Bảo, Nguyên Bách thông bảo, Nguyên Chí thông bảo tương tự loại tiền kẽm...Tiền chì còn có đặc điểm nhiều loại tiền ghi chữ sắp xếp lộn xộn không theo quy luật đọc chéo hay đọc vòng, do vậy phải luận ngược chiều kim đồng hồ hoặc từa dưới lên trên hay từ trái qua phải. Nhiều đồng chữ bị giản lược như chữ tượng hình. Nhiều đồng đức chữ kiểu âm bản mà muốn đọc phải lật chữ sang dương bản bằng phần mềm hoặc đọc qua gương phản xạ mới đọc được chữ. Đặc điểm loại tiền chì thường được phát hiện ở vùng phía Bắc như Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang.. nhưng số lượng khi phát hiện chỉ vì can riêng lẻ. Kim loại chì có giá trị thấp hơn so với thiếc, đồng, kẽm bởi vậy tiền chì có thể được coi là loại tiền gian nếu đưa vào lưu thông thương mại. Nó có thể là của một nhóm người đúc gian lận bởi màu sắc của tiền chì gần giống với tiền kẽm nhằm trục lợi và cũng có thể được đúc bởi những phe đối lập, khởi nghĩa dùng để chi tiêu và phá hoại và gây bất ổn cho nền kinh tế của đối phương trong bối cảnh thời có các phe phái chống đối nhau. Một số ít tiền chì phát hiện cùng lẫn trong tiền Bắc Tống và tiền kẽm chúa Nguyễn. Như vậy tiền chì là một loại tiền tiền không được chính thức lưu thông rộng mà chỉ là một loại tiền do dân gian đúc giả có thể tiêu dùng ở vùng hẻo lánh hoặc đúc với mục đích phi thương mại, có thể dùng vào việc làm đồ tùy táng, phong thủy hay một dạng tiền âm phủ để hóa vàng cúng giỗ bởi lẽ hợp kim chì dễ tan chảy khi bị đốt hóa vàng. Nhà sưu tầm Đào Phi Long cũng đã sưu tập được một khuôn đúc tiền chì mà trên đó có cả 10 hiệu tiền khác nhau trên một khuôn, như là đúc ra để tạo thành một bộ tiền treo phong thủy có nhiều niên hiệu.
Trong một bản khắc tại chùa Láng ở Hà Nội (chùa Chiêu Thiên Tự) vào đầu thế kỷ 20 gọi là Bách Vương Thông Bảo liệt kê 100 loại tiền để hóa vàng cũng ghi loại tiền vừa có niên hiệu các vua của Việt Nam, vừa có tên vua Trung Quốc, trong đó có tên loại tiền Khải Định thông bảo là niên hiệu có niên đại năm 1916-1925 cho thấy bản khắc phải có bằng hoặc sau khoảng năm 1916-1925, bản khắc còn vừa có cả loại tên không thuộc vua, chúa nào như kiểu tiền chì và cả lời chú mật tông cũng có hàm ý đọc vừa xuôi vừa ngược Án ma ni bát minh hồng – Hồng minh bát ni ma án. Việc đọc xuôi đọc ngược có thể là một hiện tượng tương tự như tiền đúc chữ ngược chiều hoặc đúc chữ âm bản và có khả năng liên quan đến việc đúc tiền chì chữ ngược để dành cho người chết và cúng giỗ?
Như vậy tiền chì là một hệ thống tiền không được cho phép lưu thông với vai trò là tiền tệ hợp pháp. Vai trò và ý nghĩa của tiền chì cần được nghiên cứu theo một hệ thống tiền riêng.
Còn lại 2 chất liệu tiền đồng và tiền kẽm thuộc giai đoạn thế kỷ 17-19 là loại tiền chính thức được lưu thông. Tiền đồng kẽm được triều đình đúc có niên hiệu đúng thời gian vị vua tại vị được gọi là tiền do triều đình đúc hay gọi là tiền chính triều, còn lại các loại tiền không do vua đúc đúng niên hiệu trong khoảng thời gian tại vị gọi là tiền không chính thống.
- Khái niện và lịch sử về tên gọi Tiền không chính thống
- Khái niệm Tiền không chính thống
Tiền không chính thống là loại tiền đồng hoặc kẽm không được đúc theo truyền thống nghĩa là không phải do triều đình đúc đúng theo niên hiệu mà vị vua đó đang tại vị. Tiền không chính thống bao gồm tiền Nhà Mạc khi lên Cao Bằng đúc tiền nhưng không theo niên hiệu cảu các vị vua ở Cao Bằng; Tiền chúa Trịnh đúc nhưng không mang niên hiệu cảu các vua thời Lê Trung Hưng; Tiền chúa Nguyễn thuê Nhật Bản đúc nhưng lại mang niên hiệu Nguyên Phong (nhà Tống Trung Quốc), Khoan Vĩnh (Mạc phủ Nhật Bản); Tiền Chúa Nguyễn đúc tại Đàng Trong, Tiền Mạc Cửu đúc tại Hà Tiên; Tiền do anh em Lê Văn Khôi, Long Văn Vân đồng khởi nghĩa ở Gia Định và Lạng Sơn chống lại triều đình Minh Mạng năm 1931-1934 khi Minh Mạng bãi bỏ chế độ tự trị ở các vùng xa để tập trung quyền lực về chính quyền nhà Nguyễn. Về niên hiệu tiền không chính thống, nó có thể là niên hiệu các nhà vua thời Nam Tống, Bắc Tống, Liêu, Kim, thời phản Thanh phục Minh, thời Minh, thời Thanh nhưng do Việt Nam đúc, tiền không trùng với niên hiệu nào của Trung Quốc và Việt Nam, tiền niên hiệu của Nhật Bản nhưng do chúa Nguyễn thuê đúc.
- Lịch sử về tên gọi về loại tiền không chính thống trước đây
- Tiền không do triều đình đúc [2] của nhóm tác tác giả Lục Đức Thuận, Võ Quốc Kỳ xuất bản cuốn sách Tiền cổ Việt Nam không do triều đình đúc. Nội dung sách dựa trên cơ sở phân tích thành phần hợp kim và sử liệu để bình giải. Theo đó tiền không chính triều được cho là từ các nguồn gốc: Chúa Nguyễn thuê và nhập khẩu tiền từ Nhật Bản, Tiền chúa Nguyễn Đúc tại Đàng Trong, Tiền Mạc Cửu đúc tại Hà Tiên, tiền Nhà Mạc cuối thế kỷ 16 tại Thăng Long đúc? Mặc dù nhóm tác giả đã đưa ra các sử liệu ghi chép cổ viết về loại cổ tiền hay tiền quý (tiền có trọng lượng nặng) và loại tiền gián hay sử tiền (tiền có trọng lượng nhẹ) được lưu thông sớm nhất vào đầu thế kỷ 17 với ghi chép sớm nhất có tính thuyết phục bởi giáo sỹ De Rhohes đến Đàng ngoài năm 1625 cho biết “còn thứ tiền đồng trao đổi ở xứ Đàng ngoài thì có hai loại, loại lớn hoặc loại bé, loại lớn thông dụng trong khắp nước và đa số do thương gia Tàu đem tới và xưa kia do người Nhật nữa. Còn loại nhỏ thì chỉ dùng trong kinh thành và ở trong bốn tỉnh ở chung quanh chứ không dùng ở Đàng Trong” [3]. Mặc dù nhóm tác giả đưa ra các biện giải trọng tâm loại tiền không do triều đình đúc có niên đại vào thế kỷ 17 đến 18 nhưng đôi chỗ lại không nhất quán cho niên đại lên cả thế kỷ 16, có thể do ảnh hưởng bởi thông tin cảu giáo sỹ De Rhohes ghi lại loại tiền nhỏ và cho rằng đó là nhà Mạc thời ở Thăng Long trước khi rút lên cao bằng vào năm 1593 mặc dù ghi chép của giáo sỹ đã vào năm 1625 thì cũng có thể loại tiền nhỏ đó do nhà Mạc ở Cao Bằng và có thể cả chúa Trịnh đúc sau vào khoảng 1593-1625. Nhóm tác giả dựa chủ yếu vào thành phần nguyên tố kẽm để biện giải về niên đại của nhóm tiền không do triều đình đúc nhưng lại thiếu hệ thống phân tích thành phần hợp kim của các tiền có niên hiệu chính triều để xác định các giai đoạn hợp kim cụ thể hơn và có thể phân loại chia niện đại chi tiết hơn cho tương ứng với từng giai đoạn tồn tại của giai đoạn Lê Trung Hưng bao gồm 5-6 chủ thể đúc tiền không ghi hiệu tiền theo niên hiệu nhà Lê bào gồm: - tiền do chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đúc, do Nhà Mạc ở Cao Bằng đúc, do Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đúc, Do Mạc Cửu ở vùng tự trị Hà Tiên đúc và có thể còn do Lê Văn Khôi khởi nghĩa ở Gia Định năm 1831-1834 cùng với người em là Long Văn Vân đồng khởi nghĩa ở Lạng Sơn năm 1832-1833 khởi nghĩa ở Lạng Sơn, Tuyên Quang. Hai vị khởi nghĩa này được Baker Alan cho là đúc tiền Trị Nguyên thông bảo, Trị Bình thông bảo, Trị Nguyên thánh bảo, Nguyên Long Thông Bảo [4]. Dẫu sao bằng phương pháp phân tích thành phần hóa học gắn với phân tích thành phần hóa học cũng đã loại bỏ được rất nhiều trường hợp nhận định về một số loại tiền mà các tác giả khác cho là được đúc vào gia đoạn sớm trước thế kỷ 17 và đây là cuốn sách chuyên khảo nhất về loại tiền không chính thống.
- Tiền gián (tiền nhỏ) “minor curency” của tác giả Edurado Todar với cuốn sách Annam and ít minor curency (1881). Thực tế đa phần tiền không chính thống thuộc loại tiền gián có trong lượng nhỏ nhưng vẫn có loại tiền to, nặng như tiền quý (cổ tiền) nên tên gọi tiền gián không bao hàm hết các loại tiền không chính thống. Ngoài ra tác giả còn hạn chế khi nhận định một số loại tiền có niên đại còn sớm quá như Cảm Thiệu nguyên bảo của Dương Nhật Lệ (1368-1370), Thiên Thánh nguyên bảo cho Phạm Sư Ôn (1391), Thái Bình cho Cẩm Gia Vương (1509) mà sau này khi phân tích thì thành phần của các loại tiền này lại có kẽm, nghĩa là niên đại nó phải sau năm 1705. Désiré Lacoroix [5] cũng dùng khái niệm tiền gián cho nhóm tiền này và cũng mắc sai lầm khi đưa đa số tiền gián lên niên đại thời Lý Thái Tông. Ông phân loại tiền Thiên Thánh nguyên bảo, Càn phù nguyên bảo cho Lý Thái Tông, tiền Trị Bình Thông Bảo, Trị Bình Nguyên Bảo cho Lý Cao Tông, Nguyên Phong thông bảo cho Trần Thái Tông, Thiên Phù nguyên bảo cho Trần Nhân Tông, Thiệu phong Nguyên Bảo, Thiệu Phong Bình Bảo cho Trần Dụ Tông.Nhìn chung những nghiên cứu về loại hình tiền không chính thống mà không phân tích thành phần hợp kim, chỉ dựa vào tra cứu tài liệu và diễn giải các thông tin gián tiếp sẽ không tránh khỏi hạn chế bị nhầm lẫn.
- Tiền đúc trộm với niên hiệu Trung Quốc, tiền đúc trộm với niên hiệu Việt Nam, Tiền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tiền không khảo cứu được của tác giả Albert Schoroeder với cuốn Đại Nam hóa tệ đồ lục (1905) [6]. Tác giả đã thận trọng và đưa rất nhiều các loại tiền không chính thống vào danh sách tiền không khảo cứu được. Tuy nhiên tên gọi tiền đúc trộm lại không phản ánh đúng bản chất của loại tiền này. Ở đây tiền gián không chính thống vẫn được tiêu dùng và nhiều sử liệu còn dùng phân biệt là sử tiền, gián tiền với nghĩa là tiền nhỏ và tiêu dùng hợp pháp.
- Tiền vô khảo phẩm - tác giả Mirura và An Nam Tuyền phổ (1965) [7], Tác giả người Nhật nghiên cứu nhóm tiền không chính thống theo cách chia theo 47 bộ thủ của hiệu tiền để phân loại, nhóm thứ 48 là bất tri phẩm loại (tiền không biết được). Tác giả chia thành các bộ thủ như Thiệu Phù thủ, An pháp thủ, Tường Phù thủ....Khái niệm vô khảo phẩm sẽ không tránh khỏi một sai lầm về nhận thức khoa học. Không có vật gì mà không có thông tin để tìm hiểu nó, chẳng qua là nhận thức cảu ta lúc đó chỉ đến đó mà thôi. Ví dụ như tiền cổ nếu tra hết sử liệu mà không thấy thông tin gì thì còn cách khác. Trẳng hạn như thông tin về hũ tiền đựng nó, địa tầng, vật chất bám dính vào đồng tiền đó, thành phần hợp kim của nó, tính chất kim tướng học, khoáng vật học... còn nhiều thứ khoa học liên nghành cũng như tình hình khai quật trực tiếp để có thể nghiên cứu về tiền cổ.
- Tiền Bán chính triều (Semi- official coin) – tác giả Barker Allan với cuốn sách The historical cash coins ò Việt Nam, part I: Offical and Semi-Official coins (2004) [8]. Trên cơ sở tìm kiếm các thông tin các thế lực đối đầu trực tiếp với nhà Lê Trung Hưng ông giới hạn các loại tiền do nhà Mạc ở Cao Bằng và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, cuộc khởi nghĩa của anh em Lê Văn Khôi khởi nghĩa ở Gia Định năm 1831-1834 cùng với người em là Long Văn Vân đồng khởi nghĩa ở Lạng Sơn năm 1832-1833 khởi nghĩa ở Lạng Sơn, Tuyên Quang. Những loại tiền không liên quan đến các thế lực đối nghịch về chính trị thì không được thảo luận.
Ngoài ra còn một số tác giả khác cũng nghiên cứu loại tiền không chính thống nhưng không đặt tên khái quát mà di thẳng vào những loại tiền và tìm kiếm sử liệu để khảo cứu đi tìm xuất xứ, chủ nhân.
- Ý nghĩa của việc xây dựng thuật ngữ Tiền không chính thống
Trước hết là tạo sự đoàn kết các dòng họ, không bị ảnh hưởng của các sử gia thời phong kiến khi gọi tiền theo niên hiệu của triều đại mình phục vụ là triều đình đúc còn của vị vị vua khác thì gọi là không chính triều. Cụ thể như trường hợp Nhà Mạc ở Cao Bằng cũng có niên hiệu nhưng lại không được coi là chính triều.
Tiếp đến là hệ thống một cách khoa học được các loại tiền có cùng một đặc điểm trung trong một bối cảnh lịch sửthế kỷ 17-19 trong nước và các nước trong khu vực bao gồm Việt Nam-Trung Quốc-Nhật Bản- Triều Tiên- Lào- Campuchia- Indonesia -Philippin. Tình hình trong nước có những biến cố Nam triều- Bắc triều, 4 thế lực tồn tại song song trên đất nước Việt Nam bao gồm Chúa Trịnh- vua Lê, Nhà Mạc Cao Bằng và chúa Bầu tự trị ở Tuyên Quang, Chúa Nguyễn Đằng Trong và Mạc Cửu tự trị vùng Hà Tiên; Biến cố xát nhập các vùng tự trị thời vua Minh Mạng. Tình hình bên ngoài nước có sự thay đổi của nhà Thanh và nhà Minh, cùng với đó là các phong trào phản kháng phản Thanh, phục Minh. Cuộc chiến của người Mãn Thanh mà trước khi chiến thắng nhà Minh còn được gọi là nhà hậu Kim không chỉ ảnh hưởng đến tiền tệ Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến cả Triều Tiên, Nhật Bản. Tiền đồng không chỉ giao thương trong một nước mà còn được dùng mua bán cả ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, các nước ngoài đảo Indonesia, Philipin (tiền nam dương- các nước ngoài biển phía nam). Có lẽ ngay tại thời điểm nhà Minh và nhà Thanh đánh nhau, chưa biết thắng thua như nào. Một số phong trào Phản Thanh phục Minh thất bại phải di tản đi các nước tương tự như trường hợp Mạc Cửu đi lánh nạn chúa Nguyễn ở vùng đất Hà Tiên nên một số lượng lớn loại tiền không chính thống đã được các thế lực ở Việt Nam đúc niên hiệu không thuộc vua Lê, không thuộc vua nhà Minh, không thuộc vua nhà Thanh mà đúc niên hiệu tận thời Tống, Liêu Kim hoặc đúc loại tiền không thuộc niên hiệu của vua nào để dễ dàng lưu thông cả trong nước và với cả các thương nhân các nước trong khu vực. Bản thân nhà Thanh cũng có loạn tam phiên ở 3 vùng đất tự trị ở Vân Nam, Quảng Tây, Đài Loan khi họ muốn xóa bỏ các vùng đất tự trị để tập trung thống nhất quyền lực về Nhà Thanh, trong đó có sự kiện Ngô Tam Quế phản kháng và thất bại cũng dẫn đến sự thất bại của nhà Mạc ở Cao Bằng và chúa Bầu ở Tuyên Quang, bởi lẽ Nhà Mạc ở Cao Bằng lại có quan hệ khá mật thiết với chính quyền đại phương của Ngô Tam Quế. Chỉ khi Nhà Thanh hoàn toàn bình ổn được trính trị trong nước, đặc biệt là các tỉnh giáp danh Việt Nam và các vùng giáp biển có trao đổi thương mại chặt chẽ với Việt Nam thì khi đó các thế lực trong nước Việt Nam mới đúc tiền có niên hiệu nhà Thanh Trung Quốc mà không sợ bị từ trối mua bán quốc tế bởi lẽ tiền không chỉ là vật trao đổi thương mại mà niên hiệu cảu tiền còn mang tính chính trị, tôn vinh một triều đại hoặc mang một ý nghĩa lịch sử văn hóa.
Tài liệu tham khảo
1. Đào Phi Long, Tiền cổ Việt Nam (chất liệu hợp kim kẽm, chì), Câu lạc bộ nghiên cứu-sưu tầm tiền cổ Việt Nam Unesco, sách tham khỏa lưu hành nội bộ, 2022, trang 13-20.
2. Lục Đức Thuận, Võ Quốc Kỷ, Tiền cổ Việt Nam không do triều đình đúc, 2017.
3. Rhodes de – Lịch sử vương quốc Đàng ngoài, chương 17, trang 37
4. Barker Allan – The historical cash coins of Việt Nam.
5. Désiré Lacoroix – Numismatique Annamite
6. Albert Schoroeder – Annam Estudes Numismatique
7. Miura Gosen, An Nam Tuyền Phổ (1965)
8. Barker Allan, The historical cash coins ò Việt Nam, part I: Offical and Semi-Official coins (2004).