NHẬN DIỆN CHẤT LIỆU HẠT CƯỜM Ở DI CHỈ LUNG LENG
Lê Cảnh Lam
Viện Khảo cổ
Trong đợt khai quật di chỉ Lung Leng (Kon Tum) năm 2001, đoàn khai quật Viện Khảo cổ học đã phát hiện được 22232 hiện vật đá, trong đó có 36 hạt chuỗi và 3 dây chuỗi. Hạt cườm là tên gọi để chỉ các hạt chuỗi nhỏ (đường kính khoảng 0,4cm - 0,5cm, dày khoảng 0,4cm, đường kính lỗ 0,2cm - 0,3cm), cấu thành dây chuỗi. Hạt cườm là mắt xích của dây chuỗi, thuộc nhóm đồ trang sức và vì vậy nó thường có màu sắc đẹp và thường được trao đổi. Việc xác định được chất liệu hạt cườm một cách chính xác sẽ góp phần quan trọng vào việc xem sét mối quan hệ giữa các di chỉ khảo cổ. Trong bài viết này tôi muốn giới thiệu đến các hạt cườm màu đỏ, màu xanh lá mạ và màu vàng. Những hạt cườm này ngoài phát hiện được ở di chỉ Lung Leng còn phát hiện khá phổ biến trong văn hoá Sa Huỳnh mà như di chỉ Động Cườm (Bình Định) là một ví dụ.
Quan sát bằng kính lúp (x 4 lần) và ngay cả việc bẻ hạt cườm ra để quan sát thành bên trong cũng không cho phép chúng ta xác định được chất liệu đó là đá hay thuỷ tinh. Với những hạt cườm màu xanh lá mạ, xanh nước biển, màu vàng lúc đầu chúng tôi còn nghi ngờ là bằng nhựa (?) vì trông nó giống với với những hạt cườm nhựa mà một số dân tộc thuộc Tây Nguyên đang sử dụng. Với hạt cườm màu đỏ lúc đầu chúng tôi còn nghi ngờ là bằng gốm bởi nó bị rỗ và bị vỡ vụn khi bẻ vỡ (ảnh 1, hình 1-4). Kết quả chỉ được lý giải khi chúng tôi phân tích thạch học lát mỏng tại Hà Nội.
Kết quả phân tích thành phần hoá học cho thấy hàm lượng SiO2 100%, có cấu tạo vô định hình và được giám định là chất liệu thuỷ tinh. Điều lý thú hơn là khi quan sát ảnh chụp lát mỏng còn cho biết các hạt cườm đó là thuỷ tinh nhân tạo chứ không phải là thuỷ tinh núi lửa - chế tác theo cách chế tác đồ đá. Quan sát dấu vết các tạp chất trong hạt cườm (ảnh 1, hình 5-6) cho thấy các hạt tạp chất chuyển động thành hình vòng xoáy xung quanh lỗ, cho ta kết luận hạt cườm đó không phải là thuỷ tinh núi lửa bởi nếu là thuỷ tinh núi lửa thì tạp chất phải phân bố tản mạn không theo quy luật tạo thành dòng vòng quanh lỗ. Với dấu vết tạp chất đó còn cho thấy các hạt chuỗi vừa được kéo thành ống vừa được xoay tròn để tạo thành một ống thuỷ tinh dài. Các hạt cườm được tạo ra bằng cách cưa hoặc bẻ nhỏ thành từng đoạn rồi mài nhẵn hai đầu.
Tuy nhiên để nghiên cứu sâu sắc về nguồn gốc và kỹ thuật phối liệu thuỷ tinh cần tiếp tục phân tích thành phần hoá học vi lượng và chụp ảnh phóng đại cấu trúc bằng phương pháp Vi điện tử dò (EPMA) hoặc Điện tử quét (SEM). Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.