THỰC NGHIỆM TẠO VĂN IN RĂNG LƯỢC HÌNH RĂNG SÓI TRÊN ĐỒ GỐM DI CHỈ LUNG LENG
Lê Cảnh Lam
Nguyễn Gia Đối
(Viện Khảo cổ học)
Di chỉ Lung Leng (Kon Tum) với diện tích khoảng 10.000m2, được khai quật lần thứ 2 năm 2001 đã thu được 920.509 mảnh gốm, trong đó số lượng mảnh gốm có hoa văn là 168.369 mảnh chiếm 18,29% tổng số mảnh gốm. Trong số đó chúng tôi đặc biệt chú ý đến nhóm hoa văn in chấm răng lược zic zăc mà chúng ta quen gọi là hình răng sói (ảnh 1, hình 1-4).
Hầu hết các băng ấn dấu răng không tạo từ những đoạn dấu răng chạy song song mà tạo từ những đoạn dấu răng nối đuôi thành đường zích zắc. Các đoạn ấn dấu răng không phải là những đoạn thẳng mà có dáng hơi cong cánh cung. Dụng cụ để tạo ra hoạ tiết chủ đạo của văn in - chấm này chắc chắn phải có nhiều răng, thường có từ khoảng 15 - 20 răng, đôi khi còn nhiều hơn. Nhìn vào dấu răng in trên các mảnh gốm có thể xác nhận rằng, chúng được tạo ra từ nhiều dụng cụ có nhiều răng khác nhau. Chúng khác nhau về số lượng răng, về hình dạng đầu răng (có răng to, răng nhỏ, có răng hình chữ nhật, răng hình gần vuông hoặc gần tròn.) về khoảng cách giữa các rãnh (có loại răng đứng liền xít nhau, có loại răng cách xa nhau). (Phạm Lý Hương, 2005, Báo cáo chung Di chỉ Lung Leng).
Trong một số báo cáo về di chỉ Lung Leng có người gọi đó là in ấn mép vỏ sò tạo răng sói, lại có người cho rằng đó là in răng lược. Theo ý kiến thứ nhất có người còn hồ nghi là “yếu tố biển” qua các dấu vết “ấn mép vỏ sò tạo răng sói”. Để tìm hiểu kỹ thuật tạo hoa văn hình răng sói, chúng tôi đã làm thực nghiệm loại hoa văn này như sau:
1. Chuẩn bị: một số vỏ sò huyết các kích cỡ và đất nặn, dụng cụ cán mỏng đất nặn, các bản dập hoa văn hình răng sói trên gốm Lung Leng, máy ảnh.
2. Tiến hành thực nghiệm: Cán mỏng đất nặn thành dạng phẳng và ấn mép vỏ sò; cán mỏng đất nặn sau đó uốn cong thành dáng mảnh thân của nồi, vò gốm sau đó ấn mép vỏ sò. Chúng tôi ấn mép vỏ sò theo các mô típ trong các bản dập hoa văn gốm Lung Leng (ảnh 1, hình 5-6) và có nhận sét sau:
Về cách tạo mô típ hình răng sói bằng cách ấn mép vỏ sò là có thể thực hiện được một cách dễ dàng nhưng quan sát kỹ dấu vết chấm thì khác hẳn với dấu vết chấm của gốm Lung Leng. Các vết chấm do ấn vỏ sò có khoảng cách đều nhau - một chấm cách đều một khoảng không có chấm. Mặt khác các vết chấm có dạng hình sóng nhấp nhô theo mép vỏ sò. Điều này cho thấy kỹ thuật tạo hoa văn hình răng sói ở Lung Leng hoàn toàn không phải là dùng mép vỏ sò mà là dùng que nhiều răng.