Nghiên cứu phân loại và tìm hiểu diễn biến của nhóm phác vật và công cụ mài ở di chỉ Lung Leng (Kon Tum)
Lê Hải Đăng *
Lê Cảnh Lam*
Di chỉ Lung Leng thuộc xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, có diện tích 11.000m2, tọa độ 14°15’30’’ vĩ Bắc và 107°45’15’’ kinh Đông. Di chỉ đã được khai quật 2 lần trong những năm 1999 và 2001 với toàn bộ diện tích, (Nguyễn Khắc Sử, Trần Quý Thịnh 1999; Nguyễn Khắc Sử và nnk 2001).
Từ tháng 4/2003 đến tháng 6/2005, Viện Khảo cổ học đã triển khai và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp Nhà nước*: Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản, phục chế tư liệu di chỉ Lung Leng. Một tập hồ sơ tư liệu khai quật di chỉ Lung Leng đã được biên soạn. Một chuyên san về Khảo cổ học Lung Leng đã được công bố (Tạp chí Khảo cổ học số 5 năm 2005). Chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum, kết quả nghiên cứu di chỉ Lung Leng đã được công bố trong cuốn Khảo cổ học Tiền sử Kon Tum do PGS.TS Nguyễn Khắc Sử chủ biên (Nguyễn Khắc Sử 2007).
Cùng với việc công bố những kết quả đó được nghiên cứu, nhiều vấn đề của di chỉ Lung Leng được các nhà khoa học nêu ra đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục trình bày một số kết quả nghiên cứu về những biến đổi về mặt hình thái của nhóm phác vật và công cụ mài cùng với sự lựa chọn nguyên liệu đá của người cổ Lung Leng giai đoạn Hậu kỳ đá mới – sơ kỳ Kim khí.
*CN Viện Khảo cổ học